Trong nhiệm kỳ 2010-2015, trên lĩnh vực giao thông, tỉnh Long An đề ra chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm với danh mục dự án 14 công trình, tổng mức đầu tư gần 5.900 tỉ đồng và 3 công trình giao thông trọng điểm.

Nhiều công trình kết nối

Theo đó, trong giai đoạn trên, nhiều công trình giao thông lớn, kết nối vùng được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội (KT-XH) phát triển, thu hút đầu tư tại địa phương. Trong đó, phải kể đến việc hoàn thiện các tuyến đường: Đường tỉnh (ĐT) 823, ĐT824, ĐT825, ĐT826, ĐT826B kết nối các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa với TP HCM. Hay nổi bật như ĐT830 là tuyến huyết mạch kết nối các huyện phát triển công nghiệp là Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc; đồng thời kết nối với các tuyến giao thông quan trọng khác như cao tốc TP HCM – Trung Lương, Quốc lộ (QL) 1, QL50.

Lưu bản nháp tự động
Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An

Ông Nguyễn An Vững, một doanh nghiệp ở Long An, cho rằng: “Tuyến ĐT830 được đầu tư nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo thuận tiện cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa mà còn kéo theo sự phát triển đô thị, hình thành các khu dân cư tập trung, làm tiền đề phát triển đô thị trong tương lai”.

Gần đây, nhiều danh mục dự án, công trình giao thông đầu tư công được tỉnh Long An thông qua để đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ. Trong đó, có nhiều dự án lớn mang tính kết nối liên vùng và phục vụ phát triển KT-XH.

Lưu bản nháp tự động
Dự án Đường Vành đai TP Tân An đang đẩy nhanh tiến độ thi công

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu vùng ĐBSCL và đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên lĩnh vực đầu tư HTGT, tỉnh xác định đó là động lực cho sự phát triển KT-XH tỉnh.

Trên lĩnh vực giao thông, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định 3 công trình giao thông trọng điểm trong nhiệm kỳ: Đường Vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; ĐT830E; QL50B. Trong đó, dự án Đường Vành đai TP Tân An có chiều dài hơn 22,35 km, mặt đường rộng 33 m (bao gồm mặt đường và hành lang), qua địa bàn huyện Thủ Thừa và TP Tân An.

Quy mô xây dựng 6 làn ôtô, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng… được chia thành 9 gói thầu do Sở Giao thông Vân tải (GTVT) Long An làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 1.533 tỉ đồng. Về cơ cấu vốn, chủ yếu từ nguồn ngân sách, nguồn vốn vay ODA.

Dự án hiện đang được tích cực triển khai thực hiện thi công. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, dự án sẽ chuyển hướng lưu thông vận tải ra ngoại thành, góp phần giảm áp lực cho tuyến QL1, tuyến tránh QL1 qua nội ô TP Tân An…

Tiếp tục tạo sự bứt phá

Trong khi đó, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Long An còn có chương trình đột phá là huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống HTGT đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Theo đó, xác định đầu tư 8 công trình giao thông thực hiện chương trình đột phá về giao thông.

Thời gian qua, Sở GTVT đã tiến hành khởi công một số công trình như: ĐT823D, ĐT826E trên địa bàn huyện Đức Hòa và Cần Giuộc. Trong đó, ĐT823D (trục liên kết vùng kết nối TP HCM – Long An và các tỉnh miền Đông – Tây Nam Bộ) là công trình giao thông quan trọng hình thành trục giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh, QLN2 tại nút giao thị trấn Hậu Nghĩa, qua ĐT824, ĐT823B, đường Vành đai 3 TP HCM và đường Vành đai 2 TP HCM.

Còn ĐT826E sẽ là trục chính kết nối các dự án khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị phức hợp nhà ở, giải trí, thương mại và dịch vụ trên địa bàn xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường kết nối với QL50, trục động lực Tây Nam đến Khu Công nghiệp Long Hậu, đường Nguyễn Văn Tạo TP HCM và kết nối với Cảng Quốc tế Long An, Khu Công nghiệp Hiệp Phước, TP HCM.

Thông tin từ Sở GTVT, dự kiến giai đoạn 2020 – 2025, tổng nhu cầu vốn để triển khai, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, đột phá gần 30.000 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP HCM và miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại, có biên giới, cửa khẩu, cảng sông ra biển, nhất là tiếp giáp TP HCM – trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nên Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

“Kết cấu HTGT đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của mỗi địa phương. Xác định giao thông phải đi trước một bước, tỉnh Long An chú trọng huy động các nguồn lực đầu tư HTGT kết nối các huyện vùng kinh tế trọng điểm” – ông Trung nhấn mạnh.

Kết nối với TP HCM, các tỉnh miền Tây

Ngành giao thông tỉnh Long An đang tập trung công tác chuẩn bị để triển khai theo kế hoạch 7 dự án giao thông kết nối với TP HCM, tổng nguồn vốn ước khoảng 24.000 tỉ đồng. Cùng với đó, hiện Sở GTVT cũng phối hợp tốt các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường Vành đai 3.

Đây đều là những công trình giao thông quan trọng của tỉnh. Khi hoàn thành, những dự án này không chỉ tạo sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An mà còn hình thành nên hệ thống giao thông đồng bộ, có tính kết nối cao giữa Long An với TP HCM và các tỉnh miền Tây. Các dự án giao thông này hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng sẽ giúp tỉnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.